Cập nhật lúc: 04/04/2022

Chu kỳ mới xán lạn của cao su Tây Nguyên

Khắc phục những nhược điểm trong phát triển cây cao su ở giai đoạn trước, các công ty cao su tại Tây Nguyên đang đứng trước chu kỳ mới đầy xán lạn.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP.

 

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đánh giá: Năm 2021 là một năm tiếp tục khó khăn đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn) nói chung và các đơn vị cao su tại khu vực Tây Nguyên nói riêng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị cao su tại Tây Nguyên phải đối mặt với nhiều áp lực do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài vào đầu mùa cạo…

 

Trước những thách thức đó, bên cạnh những thuận lợi chủ yếu về lao động ổn định, giá bán mủ cao su chuyển biến tích cực, các đơn vị cao su tại Tây Nguyên đã đạt kết quả sản xuất kinh doanh hết sức khả quan, các chỉ tiêu chính đều hoàn thành và vượt kế hoạch do Tập đoàn giao.

 

Kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực Tây Nguyên được thể hiện qua một số chỉ tiêu chính như: Tổng diện tích cao su đạt 64.036 ha, trong đó cao su khai thác 38.024 ha; sản lượng khai khác đạt 60.607 tấn, đạt 109% kế hoạch; năng suất bình quân 1,59 tấn/ha/năm.

 

Tổng doanh thu đạt hơn 3.100 tỷ đồng, đạt 122,2% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 595 tỷ đồng. Nộp ngân sách hơn 212 tỷ đồng, đạt 117,4%. Thu nhập bình quân người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Năm 2021, dù đối diện rất nhiều khó khăn nhưng các đơn vị cao su ở Tây Nguyên đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Ảnh: Mai Phương.

Năm 2021, dù đối diện rất nhiều khó khăn nhưng các đơn vị cao su ở Tây Nguyên đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch.

Ảnh: Mai Phương.

 

Với kết quả đạt được như trên, các đơn vị cao su tại Tây Nguyên đã đóng góp vào sản lượng cao su khai thác của Tập đoàn trên 15%, doanh thu gần 14% và lợi nhuận cao su khoảng 13%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, tạo bước khởi đầu thành công trong kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn năm 2021 - 2025, đặc biệt là tiếp tục ổn định việc làm, thu nhập và chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

 

Bứt lên từ tiến bộ giống, kỹ thuật canh tác

 

Những năm gần đây, năng suất của các đơn vị ngày càng được nâng lên, một số đơn vị gia nhập câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn và năng suất ngày càng sát nhau. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

 

Những năm trước đây, các đơn vị cao su ở Tây Nguyên có năng suất không đồng đều, cơ bản do vườn cây được thiết lập chu kỳ đầu, chủ yếu ở giai đoạn 1984 - 1995, là giai đoạn kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng ở khu vực Tây Nguyên còn nhiều khăn, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực cây cao su còn nhiều hạn chế.

 

Theo đó, đã dẫn đến chất lượng vườn cây không đạt như kỳ vọng do giống trồng ở chu kỳ 1 là giống cũ kém thích hợp với điều kiện đặc thù Tây Nguyên (cao trình cao, khô hanh, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, nhiều sương mù), làm cho sinh trưởng của cây cao su chậm lại, kéo dài thời gian kiến thiết cơ bản.

 

Các đơn vị cao su ở Tây Nguyên đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, nhất là đồng bào thiểu số. Ảnh: TL.

Các đơn vị cao su ở Tây Nguyên đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, nhất là đồng bào thiểu số. Ảnh: TL.

 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này việc quản lý cỏ dại và chống cháy, đặc biệt là cỏ tranh trên vườn cây là vấn đề khó khăn mà hầu hết các diện tích trồng cao su phải đối diện, công tác phòng trị bệnh lá còn gặp nhiều khó khăn về phương tiện và thuốc phòng trị là những nguyên nhân cơ bản làm giảm chất lượng và sự bất đồng đều giữa các đơn vị trong khu vực.

 

Hiện nay, diện tích cao su kinh doanh hầu hết là vườn cây tái canh chu kỳ 2, các hạn chế cơ bản ở chu kỳ 1 cơ bản đã được khắc phục. Công tác chọn giống thích hợp với từng tiểu vùng trồng tái canh được đặc biệt chú trọng. Nhiều giống cao su mới được Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tạo tuyển đã chứng minh khả năng thích ứng tốt với điều kiện đặc thù Tây Nguyên, sinh trưởng khỏe, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản so với giai đoạn trước và năng suất vườn cây được cải thiện rõ rệt.

 

Ngoài yếu tố giống, công quản lý chăm sóc, bón phân và bảo vệ thực vườn cây được thực hiện theo quy trình kỹ thuật tiến bộ nhằm hạn chế tác động tiêu cực của môi trường. Quy trình kỹ thuật cây cao su đã được Bộ NN-PTNT ban hành năm 2021...

 

Năm 2021, đã có 2/12 đơn vị tham gia câu lạc bộ 2 tấn và sẽ có khoảng 6/12 đơn vị tham gia câu lạc bộ 2 tấn trước 2025 ở khu vực Tây Nguyên.

 

Thay đổi bộ mặt vùng đồng bào thiểu số

 

Vùng nguyên liệu của các đơn vị cao su tại Tây Nguyên thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các công ty cao su tại đây?

 

Tại khu vực Tây Nguyên, Tập đoàn có 12 đơn vị thành viên đóng chân trên địa bàn 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum; quản lý sử dụng hơn 64.000 ha cao su, trong đó phần lớn diện tích cao su nằm ở vùng sâu, vùng xa và  vùng biên giới.

 

Ngoài phát triển kinh tế, các đơn vị cao su ở Tây Nguyên còn góp phần đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng ở vùng có cây cao su. Ảnh: NNVN.

Ngoài phát triển kinh tế, các đơn vị cao su ở Tây Nguyên còn góp phần đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng ở vùng có cây cao su. Ảnh: NNVN.

 

Để thấy được chuyển biến bộ mặt làng quê ở những vùng cao su, cần quay lại thập niên 1980, là thời điểm Tập đoàn bắt đầu thực hiện chương trình phát triển cao su ở Tây Nguyên theo Quyết định 5382 của Tổng cục Cao su.

 

Từ những vùng đất hoang sơ, đất trống đồi trọc, hiện nay đã hình thành các khu thị tứ trù phú như Thị xã Buôn Hồ, Thị trấn Ea Đrăng, Thị trấn Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa, Đức Cơ… với cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, các cơ sở giáo dục và y tế được các công ty đầu tư không những phục vụ cho người lao động mà còn cho dân cư trong vùng.

 

Đặc biệt, các công ty đã tạo công ăn việc làm cho hơn 12.000 lao động, trong đó hơn 50% là người đồng bào, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, giúp cải thiện đời sống dân cư và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Qua đó, có thể thấy các công ty cao su ở Tây Nguyên đã thực hiện rất tốt các chủ trương, chính sách, chiến lược của Nhà nước, địa phương và Tập đoàn về các mặt kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, môi trường và nhất là sử dụng người lao động là đồng bào thiểu số, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương có cao su đứng chân và phát triển vốn nhà nước tại Tập đoàn.

 

Lãnh đạo Công ty Cao su Chư Prông đi kiểm tra vườn cây. Ảnh: NNVN.

Lãnh đạo Công ty Cao su Chư Prông đi kiểm tra vườn cây. Ảnh: NNVN.

 

"Để tiếp tục duy trì và phát huy vai trò quan trọng của mình, Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các công ty cao su tại Tây Nguyên triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn dựa trên 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm xã hội, tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất".

(Ông Lê Thanh Hưng)

 

Ứng phó với tăng giá vật tư 

 

Để các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên phát triển bền vững cũng như việc sử dụng quỹ đất hiệu quả, thời gian tới các đơn vị tại đây cần tập trung vào các giải pháp nào, thưa ông?

 

Năm 2022, bên cạnh các thuận lợi cơ bản, vẫn còn đó nhiều thách thức, khó khăn. Để đảm bảo duy trì thành quả đạt được và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động, các công ty cao su Tây Nguyên tập trung vào các giải pháp chủ yếu như sau:

 

Một là tiếp tục chủ động xây dựng nhiều phương án để thích ứng với dịch bệnh Covid-19 còn nhiều phức tạp. Hai là kiên trì thực hiện chính sách tiết giảm trong đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục thật sự cấp thiết, tiếp dừng, giãn đầu tư những hạng mục chưa thật sự cần thiết.

 

Công nhân cao su ở Tây Nguyên có thu nhập ổn định và cao so với mặt bằng chung. Ảnh: NNVN.

Công nhân cao su ở Tây Nguyên có thu nhập ổn định và cao so với mặt bằng chung. Ảnh: NNVN.

 

Thứ ba, quản lý chặt chẽ giá thành ngay từ đầu năm để hạn chế việc tăng giá thành do biến động giá cả phân bón, nguyên liệu và tăng lương tối thiểu. Thứ tư là phải dự báo tình hình thị trường kịp thời để có giải pháp linh hoạt về tiêu thụ, tồn kho, khách hàng, giá bán… nhằm bảo đảm lợi nhuận kế hoạch và dòng tiền của hoạt động kinh doanh.

 

Năm là đẩy mạnh việc trồng xen, trồng luân canh, hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây nguyên liệu gỗ… để tăng hiệu quả sử dụng đất và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Đồng thời, chú trọng ổn định việc làm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

 

Cuối cùng, các đơn vị phải nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất...

 

Xin cảm ơn ông!

 

https://nongnghiep.vn/chu-ky-moi-xan-lan-cua-cao-su-tay-nguyen-d319350.html

In Gửi Email
0262.3675251

0262.3675251