Cập nhật lúc: 24/08/2021

Tăng trưởng dẫn dầu, xuất khẩu cao su tiếp tục khả quan với giá cao

7 tháng đầu năm 2021, trong nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản, cao su là mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Dự báo thời gian tới, xuất khẩu cao su sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc tiếp tục tăng, giá ở mức cao.

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Theo thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 914 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, tăng tới 33,6% về lượng và tăng 73,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản.

 

Về mặt giá cả, Bộ NN&PTNT thông tin, giá xuất khẩu cao su bình quân 7 tháng đạt 1.677,4 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tại thị trường nội địa, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước có xu hướng tăng mạnh trong tháng 5/2021 và tháng 6/2021. Cuối tháng 7/2021, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước dao động trong khoảng 315 - 330 đồng/độ TSC.

 

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin thêm, trong các tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tăng mạnh nhất là khối thị trường EU27, Malaysia, Ấn Độ.

 

Đáng chú ý hơn, nhập khẩu cao su từ Việt Nam của các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp.

 

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ hai thế giới, đạt 5,14 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 770 triệu USD, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 15% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc, tăng so với mức 11% của cùng kỳ năm 2020.

 

Nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển. Việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.

 

“Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý và là thị trường truyền thống. Đồng thời giá cao su cũng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

 

Tại thị trường EU, những tháng đầu năm nay, EU là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thị phần cao su Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,8% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của EU. Triển vọng xuất khẩu cao su Việt Nam trong thời gian tới sang các quốc gia EU được dự báo vẫn khả quan khi nhu cầu dự báo tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung chưa thể sớm hồi phục.

 

Với Hoa Kỳ, 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su đạt 1,68 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 36,7 triệu USD, tăng 75,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 2,2% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ, tăng so với mức 1,4% của cùng kỳ năm 2020.

 

Đánh giá chung triển vọng xuất khẩu cao su sang hầu hết thị trường thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng phụ thuộc vào chiến dịch tiêm chủng tích cực ở các nền kinh tế phát triển - yếu tố hỗ trợ phục hồi sản xuất và làm tăng nhu cầu cao su toàn cầu, nhất là ở những thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU.

 

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nguồn cung cao su của thế giới trong tháng 7/2021 dự kiến tăng 11,3% so với tháng 6/2021, lên 1,1 triệu tấn. Nguồn cung cao su tự nhiên tháng 7/2021 tăng cũng ảnh hưởng đến giá mặt hàng.

Dự báo triển vọng thị trường cao su trong ngắn hạn không khả quan do sự gián đoạn về hậu cần, cước phí vận chuyển đường biển tăng, việc vận chuyển bị chậm trễ, thiếu chip ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô, tiêu thụ ô tô chậm lại,...

 

https://haiquanonline.com.vn/tang-truong-dan-dau-xuat-khau-cao-su-tiep-tuc-kha-quan-voi-gia-cao-150304.html

In Gửi Email

Các tin khác

  • Chưa có bài đăng
0262.3675251

0262.3675251